Top 7 loại bánh đặc sản bạn nên thử khi về thăm đất Tổ

Top 7 loại bánh đặc sản bạn nên thử khi về thăm đất Tổ

Phú Thọ - vùng đất nguồn cội, nơi mà hàng nghìn người con cháu vua Hùng đổ về mỗi năm để hành hương cầu mong phúc lộc, an lành. Mặc dù chưa quá nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam những với vẻ đẹp của núi non xanh mát cùng những món ăn đặc sản mang đậm hương vị quê hương thì chắc ai về thăm một lần cũng đều khó quên. Mảnh đất linh thiêng, nơi nguồn cội dân tộc cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều những đặc sản hấp dẫn, ai từng nếm thử một lần rồi cứ bâng khuâng nhớ mãi. Hãy cùng chúng tôi khám phá những món bánh đặc sản thơm ngon, độc đáo khi du lịch Phú Thọ nhé!

1. Bánh tai Phú Thọ

Bánh tai là loại bánh có từ thời xưa ở thị xã Phú Thọ, bánh còn có tên gọi khác là bánh hòn. Bánh được làm từ gạo tẻ, trong có nhân thịt lợn kết hợp cùng các nguyên liệu khác với công thức riêng, được nặn hình giống cái tai. 

Bánh tai Phú Thọ có màu trắng đục, thơm mùi bột gạo tẻ quyện cùng nhân thịt béo ngậy. Phải ăn từng miếng nhỏ mới cảm nhận được hết dư vị của chiếc bánh. Bánh tai là món bánh rất dễ ăn và được nhiều người lựa chọn cho bữa sáng. Bánh thường được ăn kèm với dưa góp và nước chấm chua cay. Ai đã một lần được thưởng thức món bánh này chắc hẳn sẽ khó mà quên được hương vị của bánh nhân mộc nhĩ chấm với nước mắm ớt cay cay.

2. Bánh sắn

Bánh sắn Phú Thọ
Bánh sắn Phú Thọ

Bánh sắn, một món ăn đặc biệt hay có thể gọi là đặc sản của người dân vùng trung du miền núi. Trong đó, Phú Thọ là nơi trồng rất nhiều sắn. Vì thế nơi đây có rất nhiều những món ăn được chế biến từ sắn như xôi sắn, bánh sắn, chè sắn, canh dưa sắn. Bánh sắn có 2 loại là bánh sắn nhân ngọt và bánh sắn nhân mặn. Mỗi loại đều có vị ngon riêng, người dân Phú Thọ ai cũng yêu thích món bánh này.

Bánh sắn nướng Phú Thọ
Bánh sắn nướng Phú Thọ

Bánh sắn rán được làm từ củ sắn phơi khô nghiền nhỏ thành bột, trong có nhân đỗ ngọt sau đó đem đi rán vàng. Bánh sắn xôi cùng là loại bánh làm từ bột sắn, ngào với nước cho dẻo, thêm nhân đỗ, thịt cùng gia vị vừa vặn sau đó bọc thêm một lượt lá chuối tươi, xếp vào chõ hấp chín. Bánh ăn nóng rất thơm ngon. Ngoài ra, người Phú Thọ còn làm bánh sắn nướng, bánh dầy sắn,… Nếu có dịp ghé thăm vùng đất Tổ hãy thử ăn món ăn dân dã mà ngon miệng này nhé.

3. Bánh đúc nhân lạc

Phú Thọ không chỉ thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt mà còn hấp dẫn du khách bởi những món ăn đặc sản hấp dẫn, thơm ngon. Với nguyên liệu đơn giản mang đậm nét đặc trưng của vùng đất này, bánh đúc nhân lạc sẽ để lại dư vị khó quên cho người thưởng thức.

Bánh đúc giòn giòn, ngậy ngậy quyện cùng vị thơm bùi của lạc đem đến cho người ăn cảm giác lạ miệng. Tuy nhiên, để có thể làm ra chiếc bánh đúc thơm ngon, thấm đậm hương vị quê hương là một quá trình không hề đơn giản. Bạn có thể nếm thử món ăn hấp dẫn này tại làng Dòng, xã Xuân Lũng, Lâm Thao. Tại đây, bánh đúc lạc được xem là món bánh đặc sản truyền thống.

Bánh được làm từ bột gạo tẻ nghiền mịn, nặn thành từng cái rồi đem hấp chín hoặc nấu chín rồi tạo khuôn đẹp mắt, rắc thêm nhân lạc rang vừa bùi vừa béo.

4. Bánh chưng làng Dòng

Đây là loại bánh chưng truyền thống của làng Dòng, xã Xuân Lũng, Lâm Thao. Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, hình thức đẹp, vuông vắn, màu sắc tươi sáng, bánh rền, thơm hương là cả một sự kỳ công của người làm bánh. Gạo nếp được chọn phải là loại gạo dẻo, có hương thơm đặc trưng và không được lẫn gạo tẻ. Đỗ xanh dùng làm nhân phải được nhặt bỏ những hạt nhỏ, ngâm tróc vỏ, đãi sạch, để ráo. Ngoài nhân đỗ, bánh có thêm thịt nạc vai hoặc thịt ba chỉ trộn cùng tiêu, muối,.. vừa tạo điểm nhấn vừa tạo độ thơm ngậy cho bánh. 

Khi gói bánh phải gói chặt tay thì bánh nấu mới rền, mới dẻo. Nếu gỏi bánh lỏng tay, bánh sẽ không vuông vắn và bị nhão. Bánh gói xong được xếp vào nồi lớn, từng cặp một úp vào nhau, chèn chặt, đổ ngập nước và luộc chừng 8 tiếng là đạt.

5. Bánh tẻ mật

Ghé thăm xã Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ, du khách sẽ được biết đến món bánh tẻ mật, loại bánh dân dã có hương vị dịu dàng, thanh ngọt hấp dẫn. Bánh thường được người dân Đào Xá dâng cùng Thành Hoàng làng vào ngày lễ hội.

Bánh tẻ mật được làm từ gạo tẻ và mật mía. Gạo được đãi sạch để khô rồi cho vào cối giã hoặc nghiền thành bột sau đó rây nhỏ 2 lần. Bột được cho vào nồi hòa với mật theo tỉ lệ rồi đun trên bếp cho tới khi ráo bột. Dùng đũa khuấy đều để cho nước, bột và mật hòa với nhau, khi bột quánh lại, đậy vung và ủ vào bếp tro đến khi bột bánh chín thì đem ra gói lại bằng lá chuối khô, dùng lạt để buộc bánh giống như bánh giò.

Thao tác gói bánh tẻ mật phải thực hiện nhanh tay để tới khi gói đến chiếc bánh cuối cùng bột vẫn còn nóng. Vì khi bột nguội, bánh hấp sẽ không chín đều và bóng đẹp. Bánh sau khi hấp chín để nguội hẳn, bóc ra dùng lạt giang tước nhỏ cắt thành từng lát. Từng lát bánh vàng óng, trong suốt tỏa mùi thơm mát, dịu dàng. Khi mới đưa bánh chạm đầu lưỡi đã cảm nhận được hương vị mát dịu, ngọt ngào thú vị của miếng bánh. 

6. Bảnh nẳng làng Dòng

Thêm một loại bánh đặc sản của vùng làng Dòng chứa đựng tình cảm quê nhà, mang cái hồn mộc mạc của con người đất Tổ. Bánh nẳng làng Dòng nhìn thì tưởng đơn giản nhưng khi hỏi ra mới thấy được sự kỳ công các các mẹ, các bà. Người làng Dòng phải lên rừng chặt các loại cây, đem về đốt lấy tro. Nước tro được lọc cẩn thận rồi đem ngâm với gạo nếp, đây là công đoạn đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm để bánh có hương vị đặc biệt mà không bị đắng. Gạo được gói trong lá dong tươi, luộc từ 5 - 6 tiếng để bánh chín nhừ quyện vào nhau thì mới đạt. Bánh đạt ngon chuẩn là khi bóc ra phải mềm, không bị dính lá, có màu vàng đẹp như hổ phách.

Người dân làng Dòng ăn bánh cùng với mật mía để tăng thêm hương vị đậm đà, thanh mát, thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ của cây cỏ nơi núi đồi trung du.

7. Bánh cuốn Lâm Lợi

Bánh cuốn được làm từ gạo ngon, xay mịn hòa cùng với nước. Nồi hấp được căng vải mỏng trên miệng nồi. Mỗi lần tráng bánh chỉ cho một lượng bột nhỏ, xoa đều khắp mặt miếng vải để bánh cuốn được mỏng. Sau khi bánh chín, người nấu dùng que tre dẹt nhanh tay gạt ra đĩa, sau đó cuộn thêm nhân làm từ thịt, tôm băm cùng nấm hương, mộc nhĩ xào chín với các gia vị. Rắc thêm hành khô phi thơm cùng chút nước chấm chua ngọt.

Hiện nay tại xã Lâm Lợi, Hạ Hòa còn lại rất ít gia đình làm món bánh này. Vì thế rất ít người biết được người dân trong xã có nghề bánh cuốn gia truyền này. Một lần nếm thử bánh cuốn gia truyền tại đây, chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.

Những loại bánh mà BDATrip vừa giới thiệu trên đây đều có ở rất nhiều nơi trên đất nước ta, xong bánh ở Phú Thọ có những đặc trưng riêng mà ai một lần đến với nơi đây cũng nên một lần nếm thử. Hãy tham khảo các tour du lịch Phú Thọ hấp dẫn của chúng tôi và liên hệ ngay với BDATrip nhé. Với dịch vụ chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên tận tâm, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn đặt xe, vé máy bay thuận tiện và giá tốt nhất, hỗ trợ xin cấp Vietnam visa cho khách nước ngoài và tìm những khách sạn chất lượng tốt nhất.

Best Activities

Related Stories

Copyright © 2022 BDATrip.com | All rights reserved.