Các lễ hội đặc sắc nơi đất Tổ Phú Thọ

Các lễ hội đặc sắc nơi đất Tổ Phú Thọ

Phú Thọ, vùng đất của các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống và cũng là nơi diễn ra rất nhiều các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân gian. Du lịch Phú Thọ không chỉ là những trải nghiệm, khám phá những đồi chè, rừng cọ ngút ngàn mà còn là một trong những địa điểm du lịch tâm linh đặc sắc. Cùng đến Phú Thọ và tìm hiểu về những lễ hội truyền thống, mang đậm màu sắc dân gian để có những trải nghiệm và mở rộng thêm tầm hiểu biết nhé.

Hội Đào Xá

Lễ hội Đào Xá còn được gọi là lễ hội rước voi được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 29 tháng Giêng âm lịch tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Phần đầu của lễ hội là nghi thức tưởng nhớ đến công ơn của đức Thành hoàng làng - Hùng Hải Công cùng Tam vị Đại vương đã có công giúp dân trị thủy và Quế Hoa công chúa. Sau đó là đến lễ rước voi với sự tham gia của 120 người, vô cùng long trọng với ban nhạc, ban tế, rước kiệu, dân làng,… Phần hội diễn ra các trò chơi gắn liền với phong tục tập quán của địa phương. Trong đó có phần thi nấu cơm là phần thi hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem. 

Hội Đào Xã là lễ hội truyền thống phản ánh những giá trị lịch sử, tín ngưỡng nông nghiệp, những sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng thờ thủy thần của dân cư nơi đất Tổ. Đây cũng là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân đã có công dựng làng, dựng nước, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nước thịnh, dân an.

Hội đền Mẫu Âu Cơ

Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức từ ngày mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng âm lịch, trong đó lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 7 gọi là ngày “tiên giáng”. Ngoài ra, trong năm còn có các ngày lễ khác như 12 tháng 3, 13 tháng 8 hay ngày “tiên thăng” 25 tháng Chạp. Vào sáng ngày 6 tháng Giêng, người dân các nơi kéo nhau về xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa để xem khai hội và tham gia các hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Phần lễ chính được diễn ra từ 8 giờ sáng ngày mùng 7 tháng Giêng với hai phần chính là rước kiệu vào đền Mẫu và tế Mẫu. Đây là nội dung đặc sắc và được tiến hành theo đúng các nghi lễ truyền thống tại các lễ hội ở Phú Thọ, mang đậm nét tâm linh và đặc trưng văn hóa Việt.

Hội Bạch Hạc

Hội được tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng Giêng hàng năm tại đền thờ Thổ Lệnh Đại Vương thuộc xã Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Hội được tổ chức nhằm mục đích suy tôn Thổ lệnh Đại vương. Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều cổ tục được nhắc lại, đáng chú ý nhất là cuộc thi đua thuyền trên sông Lô và chơi cờ bỏi. Trong lễ hội còn diễn ra trò thi tung còn ở Đền Cả, lễ tiến còn, cúng cơm còn và ngâm thơ. Ngày cuối cùng của lễ hội có lễ hạ còn và cướp còn cầu may.

Tục cướp còn cũng diễn ra trong ngày đầu của hội, mùng 3 tháng Giêng, được xem là thú vui đặc biệt của dân làng. Hội không chỉ thu hút đông đảo người dân trong làng, mà còn hấp dẫn cả những người dân ở khu vực lân cận tới tham gia cướp cầu. Nhìn chung, các trò chơi trong hội Bạch Hạc cũng tương tự như những ngày hội xuân khác ở khu vực miền Bắc.

Hội chọi trâu Phù Ninh

Hội chọi trâu Phù Ninh đã có từ rất lâu đời, được tổ chức nhằm tưởng nhớ tới các vị vua Hùng. Theo tích xưa truyền lại, vua Hùng đi săn qua xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ đã diệt được hai con hổ đang đánh nhau. Thời gian vào đúng ngày 12 tháng hai âm lịch.

Hàng năm, 4 làng là: Cão, Ngọc Trù, Phú Mãn, Ngọc Khôi đều mua mỗi làng một con trâu cà đen tuyền. Khi mua trâu phải xin âm dương, nếu linh ứng mới trả tiền. Trâu sau khi được mua về, trong làng sẽ cử một người là  “ông cầu” phụ trách chăn nuôi, chăm sóc cẩn thận con trâu đó. Trong hội thi sẽ có 32 con trâu chọi nhau đối kháng theo từng cặp. Kết thúc hội chọi, con trâu nào thua sẽ mổ để tế thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi cúng lễ xong, mọi người tập trung ăn uống ngay tại chợ.

Hội phết Hiền Quan

Hội diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ, trong đó hội chính diễn ra vào ngày 13. Lễ hội được tổ chức nhằm mục đích tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người có công giúp Hai Bà Trung đánh giặc cứu nước. Qua đó thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Lễ hội phết Hiền Quan gồm 4 phần là rước kiệu, tế lễ, đánh phết và kéo quân. Các cuộc thi dân gian cũng được tổ chức trong khuôn khổ của lễ hội như làm bánh dày, nấu cơm hay cướp phết - là phần thì vui nhất và quyết liệt nhất. Sẽ có 6 quả Phết và 3 quả Chúi để người tham gia lễ hội giành lấy. Qủa Phết và Chũi được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả Phết có đường kính khoảng 6 - 7cm, quả Chúi nhỏ hơn khoảng 4 - 5cm. Người dân quan niệm rằng, nếu ai giành được quả Phết hoặc quả Chúi hay chỉ cần chạm tay vào là cả năm sẽ được nhiều may mắn.

Hội Trò Trám

Cứ vào dịp Xuân về, khoảng ngày 11 - 12 tháng Giêng âm lịch, du khách các nơi lại đổ về phường Trám, xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ để tham dự lễ hội Trò Trám hay còn gọi là “Linh tinh tình phộc”. Đây là một lễ hội mang tín ngưỡng phồn thực xưa của người Việt nhằm suy tôn thần bản thổ.

Miếu Trò quanh năm đóng cửa, chỉ mở đúng vào đêm 11 đến rạng sáng ngày 12 tháng Giêng để thực hiện nghi lễ cầu sinh thục khí. Trong miếu thờ linh vật (gọi là Nõ - Nường) của tín ngưỡng phồn thực - một tín ngưỡng thuở sơ khai của tộc người trên trái đất, trong đó có dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, trong hội Trò Trám cũng diễn ra các cuộc thi hát giao duyên giữa các nhóm nam nữ, rước lúa thần, đánh trận giả, đánh cá thờ đêm.

Lễ hội Đền Hùng

Là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống tại Phú Thọ, cũng như các lễ hội của dân tộc Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ thiêng liêng được diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày 11 tháng ba âm lịch, trong ngày mùng 10 là ngày chính hội. Vào những ngày này, người dân khắp nơi đổ về núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, Việt Trì để cùng nhau tưởng nhớ các vua Hùng. Ngoài ra đây cũng là dịp để mọi người tụ họp, ca ngợi về sự hưng thịnh của giống nòi, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, nhắc nhở mỗi người phải chung sức xây dựng đất nước ngày một phồn thịnh.

Cùng với thời điểm diễn ra lễ dâng hương tại đền Hùng Phú Thọ còn có lễ dâng bái tại đền Hùng ở thành phố Hồ Chí Minh, đền Hùng tại Nha Trang và những địa phương khác. Tuy nhiên, lễ hội đặc sắc tại đất Tổ Phú Thọ vẫn luôn nhộn nhịp và thu hút đông đảo người tham gia nhất.

Về với vùng đất cội nguồn linh thiêng, tham dự các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc luôn mang đến cảm giác lạ lẫm mà thân thuộc cho mỗi người khi tới đây. Bạn cũng muốn tới Phú Thọ tham dự các lễ hội độc đáo này? Hãy tham khảo các tour du lịch Phú Thọ hấp dẫn của chúng tôi và liên hệ ngay với BDATrip nhé. Với dịch vụ chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên tận tâm, chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn đặt xe, vé máy bay thuận tiện và giá tốt nhất, hỗ trợ xin cấp Vietnam visa cho khách nước ngoài và tìm những khách sạn chất lượng tốt nhất.

Best Activities

Related Stories

Copyright © 2022 BDATrip.com | All rights reserved.