Tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam

Tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xem là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, là chứng nhân cho ngàn năm văn hiến và là một quần thể kiến trúc cổ kính, độc đáo. Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn được UNESCO chứng nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và công nhận 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới. Hãy theo chân BDATrip tham quan khu di tích lịch sử này nhé!

  1.  Lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám  

Văn Miếu được xâu dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, ngoài chức năng thờ các bậc thánh nhân của Đạo Nho nó còn là một trường học hoàng gia đầu tiên. Học trò đầu tiên của trường học hoàng gia này là Thái tử Lý Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám đặt cạnh Văn Miếu là trường chỉ giành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái của thường dân chỉ cần có sức học xuất sắc. Thầy Chu Văn An được mời giữ chức Quốc tử giám tư nghiệp tức hiệu trưởng thời nay dưới thời vua Trần Minh Tông, và trực tiếp dạy học cho Thái tử.

2. Kiến trúc của Văn Miếu

Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trong khuôn viên rộng 5,4ha mang đậm kiến trúc xây dựng của thời đầu nhà Nguyễn, được bao bọc bằng 4 bức tường gạch vồ kiên cố.

Văn Miếu được thiết kế theo phong cách Nho giáo đăng đối từng lớp, từng khu vực theo trục Bắc Nam. Từ phía cổng lớn đi vào là 4 cột trụ và 2 bia Hạ Mã hai bên. Đi vào bên trong các khu vực Nội Tự được ngăn cách bởi hồ nước, sân đình rộng, lối đi có khoảng không rộng 2 bên. Trước khi vào mỗi khu bạn phải bước qua hệ thống cửa bao gồm một cửa chính và hai cửa phụ hai bên. Tất cả các cổng ra vào các khu Nội Tự, miếu, điện thờ, nhà Thái Học đều được thiết kế gồm mái nóc với đôi rồng chầu mặt nguyệt.

3. Các khu tham quan ở Văn Miếu

Khu thứ nhất

Bắt đầu với cổng chính đi đến cổng Đại Trung Môn, hai bên có cửa nhỏ là Thành Đức Môn, Đạt Tài Môn.

Khu thứ hai

Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khuê Văn Các là một lầu vuông tám mái cao gần 9 thước bao gồm 4 mái hạ và 4 mái thượng. Kiến trúc của Khuê Văn Các rất độc đáo dạng cổ lầu, tầng dưới là 4 trụ gạch vuông đỡ tầng gác phía trên có những kết cấu gỗ rất đẹp.

Tầng trên có 4 cửa hình tròn, hàng lan can và con tiện, con sơn đỡ máu bằng gỗ đơn giản, mộc mạc. Hai bên phải trái Khuê Văn Các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào khu nhà bia Tiến sĩ. Khuê Văn Các được công nhận là biểu tượng của thành phố Hà Nội.

Khu thứ ba

Khu nhà bia tiến sĩ

Gồm giếng Thiên Quang được xâu dựng có hình vuông với ý nghĩa tượng trưng cho mặt đất. Giếng Thiêng Quang và Khuê Văn Các là 2 biểu tượng mang hàm ý tất cả tinh hoa của đất trời đều được quy tụ tại đây. Hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia là một tác phầm nghệ thuật độc đáo được làm bằng đá, khắc tên các vị thi đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ. Bia được đặt trên lưng rùa bằng đá xanh. Hiện còn 82 tấm bia tượng trưng và vinh danh 82 thủ khoa trong các khoa cử của các triều đại phong kiến Việt Nam xưa. Đó là những di vật quý nhất của khu di tích.

Khu thứ tư

Bái đường ở Văn Miếu

Là khu trung tâm và là kiến trúc chủ yếu của Văn Miếu, khi bước qua cửa Đại Thành, du khách sẽ tới sân dẫn tới khu vực chính của di tích là khu điện thờ Đại Bái Đường. Tòa trong Đại Bái Đường là Thượng Cung, là nơi thờ Khổng Tử và Tứ Phối.

Khu thứ năm

Ban thờ 3 vị vua trong Văn Miếu Quốc Tử Giám

Đây là khu nhà Thái Học. Thời Nguyễn trường Quốc Tử Giám ở Hà Nội bị bãi bỏ, nhà Thái Học bị đổi làm nhà Khải thánh, thờ thân phụ, thân mẫu của Khổng Tử. Khu nhà này đã bị phá hủy trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Khu nhà Thái Học hiện nay được thành phố Hà Nội xây dựng lại năm 1999. Trong khu thứ năm này còn có nhà thờ các vị vua Lý và tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.

4. Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở đâu?

Hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám
  • Địa chỉ: 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
  • Đường tới Văn Miếu

Nếu đi từ Hồ Gươm, bạn đi theo đường Lê Thái Tổ rẽ phải vào Tràng Thi, đi về phía đường Cửa Nam, Nguyễn Khuyến rồi rẽ trái vào đường Văn Miếu là đến.

Nếu đi bằng xe bus các bạn đi những tuyến sau sẽ có những điểm dừng ngay gần khu vực này: 02, 23, 38,25.

5. Giá vé vào cửa

  • Giá vé dành cho người lớn: 20.000đ/ 1 người,
  • Giá vé dành cho trẻ em: 10.000đ/ 1 người,
  • Giá vé áp dụng cho cả khách Việt Nam và khách nước ngoài.
    • Quý khách vào tham quan di tích phải mua vé, xuất trình vé của mình tại nơi soát vé.

6. Lưu ý khi đi tham quan

  • Nêu cao ý thức bảo vệ di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường, kiến trúc, cảnh quan di tích; Không nằm, ngồi, sờ vào hiện vật, không viết vẽ lên tượng thờ, bia đá, các công trình kiến trúc, không giẫm lên cỏ, không hái hoa, bẻ cành.
  • Giữ gìn an ninh trật tự, tuân thủ các quy định về phòng chống cháy nổ; Không hút thuốc lá trong khuôn viên di tích; Không mang vũ khí, hung khí, chất độc, chất nổ, chất cháy, động vật sống… vào di tích.
  • Trang phục phù hợp, lịch sự khi tham quan di tích: Không đội nón, mũ, mặc áo ngắn, áo hai dây, quần đùi… khi tham quan nơi thờ tự; Giữ yên tĩnh tại những nơi tôn nghiêm.
  • Nghiêm cấm lợi dụng các hoạt động tự do tín ngưỡng để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo…
  • Khách tham quan phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những tổn thất do mình gây ra đối với di tích theo quy định của pháp luật
  • Bảo vệ di tích có quyền chấm dứt chương trình tham quan với khách tham quan vi phạm nội quy.

7. Địa điểm du lịch khác gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử giám nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội nên rất gần với những địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng khác như: Hoàng Thành Thăng Long, Quảng Trường Ba Đình, Nhà tù Hỏa Lò, Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh,…

Các bạn có thể tham khảo thêm một số địa điểm khác tại BDATrip.

Chúc các bạn có chuyến tham quan, du lịch vui vẻ!

Best Activities

Related Stories

Copyright © 2022 BDATrip.com | All rights reserved.