Hoàng Cung - nơi tôn nghiêm bậc nhất Thái Lan

Hoàng Cung - nơi tôn nghiêm bậc nhất Thái Lan

Hoàng Cung Thái Lan là một trong những điểm dừng chân nhộn nhịp của thủ đô Bangkok, mỗi ngày nơi đây chào đón hàng ngàn du khách ghé thăm. Hoàng cung Thái Lan – một công trình kiến trúc lịch sử kết hợp với những nét đẹp tinh hoa văn hóa, tĩn ngưỡng và tôn giáo của “xứ sở chùa Vàng”, là một khu kiến trúc phức hợp mang đậm dấu ấn, biểu tượng của Hoàng gia. Chuyến du lịch Thái Lan sẽ khó trọn vẹn nếu bạn bỏ lỡ địa điểm nổi tiếng như Hoàng Cung.

Vị trí đắc địa Hoàng Cung

Điểm đến này nằm trên đường Na Phra Lan, bên cạnh sông Mi Nam, luôn nổi bật và toả ra ánh sáng rực rỡ, chiếu sáng cả một vùng đất trời thủ đô.

Ở Bangkok, bạn có thể sử dụng rất nhiều phương tiện để đến thăm Hoàng Cung. Bạn nên di chuyển bằng thuyền để tiết kiệm chi phí, tránh được tình trạng ùn tắc giao thông và tận hưởng phong cảnh tuyệt đẹp của đôi bờ sông Chao.

Nếu bạn muốn đi tàu điện đến đây, bạn có thể mua tới trạm BTS Skytrain hoặc Saphan Taksin sau đó đi theo các biển báo trên ga tàu đi mua vé, giá vé khoảng 15bath/người. Từ bến sông Sathorn đi khoảng 8 bến nữa là bạn sẽ tới bến sông gần Hoàng Cung. Ngoài ra, bạn có thể đi taxi đến Cung điện Hoàng gia nhưng lưu ý tình trạng trèo kéo bán hàng.

Nếu bạn ở khu vực Khao San Road, có thể lựa chọn phương án đi bộ, khoảng 20 – 25 phút, đi về phía Nam dọc theo con đường Cánh đồng Hoàng gia xanh mướt hoặc tìm con đường gần sông nhất bạn sẽ đặt chân đến Cung điện.

Nguồn gốc lịch sử Cung điện Hoàng Gia

Phra Borom Maha Ratcha Wang – Cung điện Hoàng Gia Thái Lan (hay còn được gọi tắt là Hoàng Cung Thái Lan), có niên đại từ năm 1782, được xây dựng dưới thời trị vì của vua Rama I, triều đại Charkri. Nhà vua đã quyết định rời nơi ở của hoàng gia từ Thonburi (tả ngạn sông Chao Phraya) tới Rattanakosin (trung tâm của Bangkok ngày nay), sau đó ông cho xây dựng hàng trăm công trình kiến trúc, bao gồm các đền đài và cung điện xa hoa để chứng minh vị thế và thân phận cao quý của hoàng gia. Vua Rama đã sống trong cung điện chỉ sau khi khởi công xây dựng 2 tháng, vào ngày 10 tháng 6 năm 1782.

Kinh đô mới của Thái Lan được tạo thành một hòn đảo nhân tạo khi đào các kênh nhân tạo dọc theo bờ phía đông của sông Chao Phraya. Hòn đảo này có tên gọi là “Rattanakosin”.

Hoàng cung mới được xây ở phía tây của hòn đảo, chùa Wat Pho ở phía nam, chùa Wat Mahathat ở phía bắc. Vị trí này trước đó do người Hoa chiếm giữ, nhà vua đã ra lệnh chuyển đến khu vực phía nam, ngày nay khu vực này được gọi là Yaowarat – China Town (khu người Hoa) rất sầm uất tại thủ đô Bangkok.

Do không đủ kinh phí và vật liệu xây dựng khan hiếm, lúc đầu cung điện được xây dựng bằng gỗ, bao quanh bởi những hàng rào đơn giản. Vài năm sau nhà vua bắt đầu tái thiết lại các bức tường, pháo đài, cổng và khu ở của hoàng gia. Công trình xây dựng này có thêm một ngôi chùa, đó là chùa Phật Ngọc.

Để có được nhiều vật liệu hơn, vua Rama I ra lệnh cho binh linh đến kinh đô Ayutthaya cũ, bị phá hủy vào năm 1767 trong cuộc chiến tranh giữa Miến Điện và Xiêm, lấy vật liệu từ pháo đài và gạch từ các bức tường của thành phố. Những viên gạch được chở xuống sông Chao Phraya và là vật liệu chính để xây dựng lại Hoàng cung. Sau khi hoàn thành các bước cuối cùng xây dựng đại điện đăng quang, nhà vua tổ chức lễ đăng quang theo truyền thống một cách đầy đủ trong 1785.

Sau này, mỗi đời vua kế tục đều tiếp tục cho xây thêm một vài công trình kiến trúc khác, góp phần tạo nên một khu kiến trúc phức hợp, có sự kết hợp giữa nét truyền thống Trung Hoa, Thái Lan và nét hiện đại của phương Tây.

Kiến trúc đặc biệt của Hoàng Cung

Cung điện Hoàng gia có đôi nét kiến trúc giống với Cung điện ở Ayutthaya (thủ đô cũ của Thái Lan), có rào chắn xung quanh và các nét kiến trúc thể hiện quan điểm về trần thế, tâm linh của người Thái, có những bức tường cao bao bọc xung quanh, lỗ châu mai và hai lối đi vào bằng cổng chính.

Cung điện Hoàng Gia được chia thành bốn khu vực chính:

  • Ngoại cung: nằm phía tây bắc, bên trong gồm các tòa nhà được sử dụng làm văn phòng, cơ quan làm việc của chính phủ.
  • Nội cung: vị trí quan trọng nhất gồm Đại điện Nhà nước và Đại điện đăng quang, là nơi ở của Vua và diễn ra các nghi lễ đón tiếp quan khách chính phủ.
  • Hậu cung: nằm ở cuối phía nam gồm các cấu trúc phức tạp, chỉ dành cho phái nữ, là nơi ở cho vợ Vua và các cung tần mỹ nữ.
  • Wat Phra Kew - Chùa Ngọc Phật, nơi thờ tượng Phật ngọc được tạc từ một khối ngọc bích nguyên chất và là nơi cầu nguyện của hoàng gia.

Những khu vực quan trọng của Hoàng Cung được phép tham quan bao gồm:

Khu vực đầu tiên mà du khách gặp là ngôi chùa Wat Phra Kaew- chùa Phật Ngọc, nơi lưu giữ Phra Kaew Morakot (tượng Phật Ngọc), vị phật mọi người tôn sùng được chạm khắc tỉ mỉ trên một hòn ngọc nguyên khối. Cac bức tường của ngôi chùa được trang trí nhiều bức tranh về vua Rama I và vua Rama II, thể hiện nội dung về các thiên anh hùng ca, sử thi Hindu và miêu tả về đất nước Thái Lan (thế kỷ XIX). Sau khi đi qua một cánh cổng bảo vệ bạn sẽ tới khu vực quan trọng nhất ở đây là đại sảnh và nơi thờ tượng Phật Ngọc. Bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo nổi tiếng có từ thế kỉ 14, những bộ cà sa của Phật được thay đổi theo mùa diễn ra trong một nghi lễ long trọng của Phật lịch bới chính nhà vua Thái Lan. Có một điều thú vị là hai trong số ba bộ trang phục bằng vàng được treo trên tượng Phật Ngọc được tạo ra bởi bàn tay của Vua Rama I.

Tiếp theo là nhà khách hoàng gia Royal Reception Halls, có đại sảnh tiếp khách Chakri Maha Prasat (mở cửa từ thứ 2 – thứ 6), được sử dụng là nơi tổ chức lễ đăng cơ của nhà vua, có ngai vàng cổ theo phong cách truyền thống trước khi áp dụng phong cách phương Tây, đây cũng là lâu đài duy nhất mở cửa cho du khách tham quan. Ở đó còn có lâu đài Dusit kiến trúc phong cách Ratanako, nơi trưng bày thông tin về các lần trùng tung hoàng cung, những mẫu vật và hình ảnh của Đức Phật.

Những lưu ý khi tham quan Cung điện Hoàng Gia

Giờ mở cửa

Hoàng cung mở cửa tất cả các ngày trong tuần, từ 8h30 sáng đến 15h30 chiều. Phòng bán vé đóng cửa vào lúc 3h30 chiều nên bạn cần phải đến trước đó.

Rất ít khi Hoàng cung đóng cửa trừ khi đó là các ngày diễn ra các chuyến thăm ngoại giao và chuyến thăm cấp nhà nước. Đừng tin bất kì tài xế nào thông tin rằng Hoàng cung đã đóng cửa nếu bạn đi trước 3h30 chiều, vì có thể họ sẽ kéo bạn theo những lịch trình sẵn có của họ để họ được hưởng thêm hoa hồng. Nếu không chắc chắn về việc Hoàng cung có mở cửa hay không, hãy liên hệ với lễ tân khách sạn của bạn.

Nên đến Hoàng Cung vào buổi sáng lúc 8h30 để tránh sự đông đúc và tránh được sự nắng gắt chật chội nếu bạn đến vào mùa hè. Hãy bôi kem chống nắng cho làn da của bạn để bảo vệ trước các tác nhân gây hại của tia cực tím.

Phí vào cửa

Đối với du khách nước ngoài, phí vào cửa là 500 bath, tương đương khoảng 16 đô la. Miễn phí đối với công dân Thái Lan.

Nếu muốn có hướng dẫn viên thuyết minh tại điểm đi cùng, hãy đặt dịch vụ này tại quầy bán vé (khoảng 200 bath), tránh sự gợi ý từ bên ngoài.

Quy định về Trang phục

Để thể hiện sự tôn trọng và thực hiện những quy định thực thi nghiêm ngặt của Hoàng cung, hãy chú ý các điều sau đây:

  • Đối với nam giới phải mặc quần dài.
  • Không mặc áo sát nách hoặc trễ vai.
  • Tránh mặc quần bó sát hay quần áo hở hang.
  • Không mặc áo có chủ đề về bất kỳ tôn giáo nào hoặc biểu trưng cho cái chết và những điềm gở.
  • Có thể đi dép xăng – đan đối với khách du lịch nhưng hãy cởi giày dép trước khi đi vào các khu vực linh thiêng.
  • Nếu trang phục của bạn không được chấp nhận, hãy thuê những chiếc sarong ở bên ngoài với giá 200 bath và được hoàn tiền nếu có thể trả lại (lưu ý, gian hàng sarong có thể đóng bất cứ lúc nào và bạn không thể trả lại chúng)

Cảnh giác với những trò gian lận

Trên đường đến Cung điện Hoàng gia Bangkok bạn nên chú ý tránh xa những kẻ ăn xin, nghệ sĩ hát rong hay những tài xế tuk tuk để tránh bị lừa đảo.

Khi ở trong Hoàng cung hãy luôn cảnh giác và bảo vệ đồ đạc có giá trị của mình. Đừng để những chiếc túi xách hớ hênh hay để chiếc điện thoại nhô ra từ phía sau, những tên trộm chắc chắn sẽ để ý chúng.

Hãy đến tham quan Hoàng cung Thái Lan – thánh địa của Phật giáo và Hoàng gia để chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo cùng lịch sử ấn tượng của Thái Lan dưới vương triều Chakri.

Best Activities

Related Stories

Copyright © 2022 BDATrip.com | All rights reserved.