Ninh Bình

Ninh Bình

“Ai về qua đất Ninh Bình,

“Ai về qua đất Ninh Bình,

Mà xem phong cảnh hữu tình nên thơ.

Nước non, non nước như mơ,

Càng nhìn Dục Thúy càng ngơ ngẩn lòng.”

Hiếm có một địa danh nào trên dải đất hình chữ S này, lại được thiên nhiên bạn tặng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình như Ninh Bình. Không chỉ là vùng đất non nước nên thơ, đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, cố đô xưa của Việt Nam.

Ninh Bình như một cuốn sách sử nước Nam

Ninh Bình núi non trùng điệp là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam cách đây hơn 1000 năm lịch sử, mảnh đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Lê – Lý  với những mốc son lịch sử dựng nước, giữ nước hào hùng trước khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, tức thủ đô Hà Nội ngày nay.

Bước chân đến Ninh Bình bạn sẽ như được đắm chìm trong cảnh sắc non nước, mây trời in nước tựa núi đẹp đến nao lòng. Hùng vĩ mỡi những ngọn núi đá vôi sừng sững chứng kiến sự thay đổi của thời gian hay những vết tích của sự tiến hóa loài người, bên cạnh văn hóa của các thời kỳ lịch sử.

Ninh Bình, nơi năm xưa vua Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp loại 12 xứ quân để thống nhất giang sơn, xây dựng Hoa Lư trở thành kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam với sự phồn hoa, náo nhiệt của một nền văn hóa Tràng An. Đến với Ninh Bình hôm nay, là bạn đang được đến với vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần thông qua các đền thờ Vua (đặc biệt là các Vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Quang TrungTriệu Quang Phục với số lượng vài chục đền thờ mỗi vị); thờ Thánh (Nguyễn Minh Không và các tổ nghề, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu với nhân vật Cô Đôi Thượng Ngàn sinh ra ở Ninh Bình); thờ Thần (phổ biến là các vị thần Thiên Tôn, thần Cao Sơnthần Quý Minh trong không gian văn hóa Hoa Lư tứ trấn).

Ninh Bình nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, nằm cách Hà Nội khoảng 90 km về phía nam và được ví như “miền Bắc Việt Nam” thu nhỏ bởi có địa hình hội tụ cả đồi núi và bán sơn địa, đồng bằng ven biển, vùng chiêm trũng. Đến Ninh Bình không thể bỏ qua các danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

 

Cố đô Hoa Lư – “kinh đô đá”

Không phải ngẫu nhiên Hoa Lư năm xưa được chọn là kinh đô đầu tiên của Việt Nam. Cố đô Hoa Lư còn được gọi là “kinh đô đá” bởi được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp, hùng vĩ như những bức tường thành kiên cố, tồn tại dưới 3 triều đại vua Đinh - Lê - Lý, từ năm 968 đến năm 1010. Tuy chỉ tổn tại trong thời gian ngắn, nhưng là nơi chứng kiến các sự kiện chính trị liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô về Thăng Long – Hà Nội.

Ngày nay hình ảnh của Cố đô Hoa Lư tuy không còn nguyên vẹn mà thay vào đó là đền thờ: Vua Đinh – Vua Lê được dựng ngay trên nền của Cố Đô Hoa Lư xưa, cùng với đó là hệ thống các đền, lăng, đình, chùa, phủ... Cách đây hơn 1000 năm, những bãi lau sậy nằm sâu trong các thung lũng giữa núi non Tràng An là nơi vua Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau khởi nghĩa, dẹp loạn 12 xứ quân. Có thể thấy rằng cố đô Hoa Lư không còn vẹn nguyên nhưng đã trở thành nơi lưu giữ những vết tích lịch sử của nước Đại Cồ Việt thủa sơ khai, và ngày nay cũng là điểm đến của nhân dân cả nước với tấm lòng thành kính và biết ơn.

 

Chùa Bái Đính, ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á

Chùa Bái Đính là Bình một trong những quần thể chùa nổi tiếng và lớn nhất Việt Nam xác lập rất nhiều kỷ lục trong nước và Châu Á như chùa có tượng đồng dát vàng lớn nhất Châu Á, chùa có hành lang tượng La Hán dài nhất Châu Á…. Quần thể chùa Bái Đính hiện nay, được xây dựng trên nền của chùa Bái Đính Cổ tự. Bạn không nên choáng ngợp trước sự hoàng tráng, hùng vĩ của chùa Bái Đính mới mà quên không ghé thăm chùa Bái Đính cổ tự bởi đây mới là nơi chứng kiến sự đổi thay, nơi lưu giữ cái hồn nghìn năm lịch sử của chùa.

Chùa Bái Đính cổ tự có từ năm 1136 do Thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập. Nằm trên đỉnh núi Bái Đính, một ngôi chùa cổ hết sức linh thiêng. Khu chùa này quay hướng chính tây, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Vì thế, nơi đây được ví là địa linh nhân kiệt, nơi sinh vua, sinh thánh, sinh thần. Để lên được chùa Bái Đính Cổ tự bạn phải bước qua 300 bậc đá, qua cổng Tam quan ở lưng chừng núi, đến với mỗi hang động đều có một sự tích, huyền thoại riêng, tạo nên nét kỳ bí, huyền ảo nơi đây.

Chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 đến năm 2015 mới chính thức hoàn thành, có diện tích 80ha. ằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.

Ngay khi bước chân đến chùa, lối dẫn vào du khách sẽ được thấy 1 bức bình phong trước cổng Tam quan, đây là phân định giữa cõi trần tục và cõi Phật. Kiến trúc chùa Bái Đính mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Đặc biệt chùa Bái Đính được xây dựng với không gian mở, ngay từ khi xây dựng đại tượng Phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái.

 

Tràng An một bức tranh sơn thủy sống động

Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây...

Vẻ đẹp của Tràng An hấp dẫn du khách ngay từ những bước chân đầu tiên, nước Tràng An xanh trong màu ngọc bích. Nhìn xuống nước thấy từng đám rêu mềm mại, sóng sóng theo gió đưa. Tràng An đẹp một vẻ đẹp rất đỗi diệu kì và mê hoặc. Nếu bạn đến đến Tràng An thì không thể bỏ qua cảnh sắc thiên nhiên, mây in bóng nước tựa núi như một dải lụa mềm trải trên sông.

Đến đây bạn sẽ đc trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý của bầu không khí thanh như lọc và tự hào với thời vàng son của lịch sử in đậm trong thế núi dáng sông nơi đây.

Để khám phá nơi đây, bạn sẽ đi qua 12 hang và 3 đền trong số đó có những hang nổi bật như hang Sáng, hang Tối, hang Nấu Rượu, hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt. Mỗi một hang động có độ dài khác nhau, nhũ đá được cấu tạo đa dạng, lấp lánh, ngoài ra còn rất nhiều hàng động khác còn chưa được phát tích.

Đặc biệt nhất nếu bạn được trải nghiệm hết một vòng Tràng An, hay có thể nhìn hình ảnh vệ tinh thì các hồ có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thuỷ khé kín mà không phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được ví như 1 trận đồ bát quái, có độ dài ngắn khác nhau. Dãy núi, hồ nước, hang động… tạo thành 1 thế trận liên hoàn, mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Đây cũng là lý do vì sao, năm xưa vua Đinh lại chọn Hoa Lư làm kinh đô với vị trí chiến lược như vậy. 

Bức tranh Tràng An là bức tranh thiên nhiên tinh tế hòa hợp với con người. Con người, cảnh sắc hòa quyện nào nhau tạo nên cái hồn rất mênh mang đi vào tâm trạng. Nhìn ngắm Tràng An ta như lạc nào cõi huyền hoặc nào đó. Tràng An đẹp tựa như bức tranh vẽ mùa thu, sóng sánh và đong đầy tình. Không phải nơi đâu được cũng thiên nhiên ưu ái ban tặng như Tràng An, chính vì thế Tràng An được USNECO công nhận là di sản thế giới.

 

Tam Cốc – Bích Động “Vịnh Hạ Long trên cạn”

“Ai lên Tam Cốc mà coi

Ngô Đồng là lối đưa người lên Tiên

Còn đây Bích Động cửa thiền

Nam Thiên nhị động trăm miền soi chung”

Cách Tràng An khoảng 5km, Tam Cốc – Bích Động nằm trong quần thể danh tháng Tràng An, được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” – “Nam Thiên nhị động”, mang nét trữ tình, nét duyên hòa hợp của cảnh sắc mây trời.

Tam Cốc nghĩa là 3 hang, gồm: Hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả 3 được tạo thành bảo dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến khai thác du lịch đầu tiên trên sông đầu tiên của khu Tam Cốc – Bích Động. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia. Dọc đường vào các hang ở Tam Cốc, là những dãy núi đá vôi trùng điệp. Điểm đặc biệt vẫn còn những dấu ấn địa chất của biển từ hàng nghìn năm trước kia. Dưới chân núi đều có những vết lõm hình vòm và ngang đều nhau như có vết kẻ. Xa xưa, nơi đây là biển cả mênh mông, sóng biển vỗ không ngừng hàng nghìn hàng triệu năm bào mòn khuyết sâu vào núi đá nên đã tạo thành những kiệt tác thiên nhiên như ngày nay.

Những hang động nối liền nhau bởi dòng sông Ngô Đồng uốn lượn quanh co. Dọc theo 2 bên bờ sông là những ruộng lúa chín vàng. Những chiếc thuyền lướt trên sông Ngô Đồng, tạo nên một bức tranh sinh động truyền cảm hứng cho nhiều du khách nhất là các nhiếp ảnh gia.

Điều đặc biệt khi đến với Tam Cốc vào mỗi mùa khác nhau lại mang một nét đẹp riêng. Mùa xuân, hai bên sông là những cánh đồng lúa xanh biếc, đến tháng Tư âm lịch, ruộng lúa lại ngả màu vàng óng. Còn vào mùa hè, du khách được thưởng thức hương sen thơm ngát giữa vùng nước non. Du ngoạn trên dòng Ngô Giang, bạn còn được nghe người dân địa phương kể những câu chuyện lịch sử, những sự tích gắn với tên gọi của từng mỏm núi, vách đá. Lênh đênh trên dòng Ngô Đồng bạn còn được chiêm ngưỡng thủy sinh dưới sông đang dạng phong phú và đẹp như những rạng san hô ngoài biển vậy. 

Trở lại với bến Tam Cốc, cách đó 2km là Bích Động có nghĩa là "động xanh”  được người xưa gọi là "Nam thiên đệ nhị động", tức động đẹp thứ nhì trời Nam đứng sau động Hương Tích. Bích Động gồm một động khô nằm trên lưng chừng núi gọi là chùa Bích Động và một hang động nước đâm xuyên qua núi gọi là Xuyên Thủy động.

Chùa Bích Động được xây dựng năm 1428 dưới vương triều Lê Thái Tổ, được xem là danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Bình. Chiếc cầu đá nhỏ bắc qua hồ sen dẫn lối vào không gian chùa tĩnh lặng, linh thiêng giữa một vùng núi non trùng điệp. Chùa được xây dựng theo bố cục kiểu “ Tam Toà ” dưới chân núi là Chùa Hà được xây theo kiểu chữ “ Đinh ” với năm gian hai trái với những đường nét kiến trúc mang đậm chất Á Đông. Bích động có 5 ngọn núi bao quanh, gọi là Ngũ Nhạc sơn, chỉ một tiếng chuông chùa vang lên thì sẽ có 5 tiếng chuông chùa từ Ngũ Nhạc sơn vọng lại.

Sau khi lễ phật ở chùa Bích Động, bước lên 21 bậc đá là đến Động Tối. Trong Động Tối có những khối nhũ đá thiên nhiên tạo hình ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục. Để lên chùa Thượng, phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động, là nơi thờ phật bà Quan Âm. Đứng ở chùa Thượng, bạn hoàn toàn có thể ngắm toàn cảnh xung quanh Bích động, những dãy núi đá vôi được từng nhánh sông uốn lượn, xen giữa tạo nên bức tranh sơn thủy đong đầy tình.

Giữa cảnh sông nước, núi non hùng vĩ của Tam Cốc – Bích Động khiến con người thật nhỏ bé. Giữa cuộc sống bộn bề, hối hả như ngày nay, đến nơi đây, bạn sẽ được hòa mình vào với thiên nhiên, thả trôi những mệt mỏi, lo toan vào dòng sông êm đềm khiến tâm hồn được thư thái.

 

Nhà thờ đá Phát Diệm – Nơi hội tụ kiến trúc Đông Tây

Nhà thờ đá Phát Diệm là một quần thể nhà thờ Công Giáo nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, được xây dựng từ năm 1865. Trải quan hơn 100 năm tuổi, nhà thờ đá Phát Diệm – ngôi thánh đường cổ kính được xây dựng suốt 30 năm mới hoàn thành, được làm hoàn toàn bằng đá và gỗ lim, được mệnh danh là “kinh đô Công giáo Việt Nam”.

Quần thể nhà thờ Phát Diệm gồm 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), 1 phương đình (nhà chuông), ao hồ và 3 hang đá nhân tạo, tất cả được bố trí trên mặt bằng nhìn tổng thể theo chữ “Vương”. Không gian đóng mở theo phong cách phương Đông rất rõ nét, trước có hồ, sau có núi, không những làm cho phong cảnh thêm hữu tình mà còn thể hiện tư duy, quan niệm của người Á đông “Tiền có thuỷ, hậu có sơn”.

Nhà thờ lớn được xây dựng từ năm 1891, dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ. Điểm chung của nhà thờ Phát Diệm cũng giống như với kiến trúc nhà thờ ở Châu Âu. Tuy nhiên, không gian trong nhà thờ được sắp xếp theo lối truyền thống của người Việt Nam. Lòng nhà thờ được chia làm 10 gian sử dụng 9 bộ vì giá nghiêng-chồng giường với 6 hàng cột mang đậm chất kết cấu kiến trúc dân gian, với không gian rộng lớn trong kiến trúc nhà thờ ở phương Tây nhờ bề ngang (21m và tầm cao là 15m), thể hiện sự tài hoa của người thiết kế. Hệ thống mái được phân thành 2 tầng, ngắt quãng bởi cửa sổ, vừa lấy ánh sáng vừa tạo độ vút cao cho mái, đây cũng là điểm độc đáo vì dù là công trình Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền. Cuối nhà thờ, chái kiệu có cấu tạo là một khối sâu bằng đá hoa cương, phần xây cuốn vòm tạo thành 5 lối vào nhà thờ, mặt bằng và mặt đứng đều giật cấp với đỉnh cao ở lối chính giữa và thấp dần về hai bên. Phía trên tháp lợp ngói mũi hài, với đầu đao cong lượn thanh thoát, gợi lên sự phối hợp tinh tế của hai lối kiến trúc Đông Dương - Gotic. Một điểm nữa cần nhắc tới là những mảng sơn son thếp vàng trên đồ thờ bằng gỗ trong nhà thờ gợi lên một không gian thờ truyền thống của dân tộc Việt.

Có thể thấy rằng quần thể nhà thờ đá Phát Diệm là sự giao thoa, kết hợp tinh tế giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc truyền thống đấm chất Á Đông. Phong cách kiến trúc phương Tây, nhưng không gian thờ tự mạng đậm hình ảnh truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Đây có thể nói là nơi gặp gỡ giữa công giáo và tín ngưỡng truyền thống của người Việt.

Đến với Ninh Bình ngày hôm nay, bạn không chỉ biết được nơi đây có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút và Đông Sơn, hay chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên như tiên cảnh trời phú cho mảnh đất này, mà còn được hòa vào với cuộc sống bình dị của con người nơi đây luôn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác qua các hoạt động văn hóa lễ hội như: lễ hội chù Bái Đính, đền Thái Vi, lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, lễ hộ Tràng An….

Copyright © 2022 BDATrip.com | All rights reserved.